Chuyên đề sinh học: “Vận chuyển các chất qua màng sinh chất”

Chuyên đề sinh học: “Vận chuyển các chất qua màng sinh chất”

Thực hiện kế hoạch hoạt động của chuyên môn Nhà trường và kế hoạch giáo dục của tổ KHTN. Sáng ngày 29/11/2024 tại lớp 10A2, nhóm Sinh học thuộc Tổ KHTN trường THPT Đạ Tông đã thực hiện chuyên đề dạy học do cô Rơ Ông K’ Luyện chủ trì với chủ đề “Vận chuyển các chất qua màng sinh chất”

Xem tiếp...

Phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ năm - 04/04/2024 23:52
Chiến thắng Điện Biên Phủ khẳng định vai trò lãnh đạo xuất sắc và to lớn của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh; là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là một kỳ tích từ sức mạnh tổng hợp của toàn dân, toàn quân.
Bộ đội, dân công gặp nhau và cùng ca hát trên đường hành quân ra mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Bộ đội, dân công gặp nhau và cùng ca hát trên đường hành quân ra mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Trong đó, phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” là yếu tố cơ bản, điều kiện vô cùng quan trọng làm nên chiến thắng.Một là, sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được thể hiện ở đường lối vừa kháng chiến vừa kiến quốc, được quán triệt và cụ thể hóa trong mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức tác chiến chiến dịch.Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp và quyết định chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược giữa ta và địch, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương do Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Quân và dân ta từ vùng tự do Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV, vùng mới giải phóng ở Tây Bắc đến vùng địch hậu và căn cứ kháng chiến đều tập trung mọi sức lực, của cải cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Phối hợp với Điện Biên Phủ, các chiến trường trên toàn Đông Dương như Thượng Lào, Trung Lào, Tây Nguyên... đồng loạt tiến công làm cho kẻ thù bị phân tán, không ứng cứu được cho nhau.
Cùng với việc đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân và lực lượng vũ trang, không ngừng nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chế độ mới, hết lòng, hết sức tăng cường lực lượng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hưởng ứng lời kêu gọi “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền, đoàn thể các cấp, các ngành đã làm tốt nhiệm vụ động viên tuyển quân, tham gia lực lượng dân công, bảo đảm giao thông vận tải, chi viện cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhân dân ta, người thì cầm súng giết giặc, người thì đi dân công, người thì lo tăng gia sản xuất để cung cấp cho bộ đội... Tuy việc làm khác nhau nhưng đều dốc lòng, dốc sức vì thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. 33.000 lượt người, trong đó bần nông và trung nông chiếm 98%, đồng bào thiểu số chiếm 1/4 tham gia lực lượng dân công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo mà mục tiêu tối cao, bao trùm nhất là giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, được cụ thể hóa vào mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức tác chiến chiến dịch đã phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, quy tụ, phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc, tạo nên sự đồng thuận, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hai là, động lực tạo ra sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là mục tiêu xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, quyền làm chủ của nhân dân được hiện thực hóa trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Sau 8 năm vừa kháng chiến vừa kiến quốc, thế và lực của cách mạng Việt Nam đã mạnh lên, cho phép Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh có bước đi mới trong khuôn khổ của cách mạng dân chủ nhân dân. Giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất là việc làm trực tiếp bồi dưỡng sức dân và tạo dựng niềm tin của nông dân với cuộc chiến đấu mà họ là lực lượng tham gia đông đảo nhất. Niềm tin vào Đảng và Hồ Chủ tịch, lòng yêu nước, ý chí và tinh thần kháng chiến của nhân dân-yếu tố tạo dựng nên sức mạnh của "thế trận lòng dân" được phát huy mạnh mẽ, tạo thế và lực cho cuộc kháng chiến ở giai đoạn chuẩn bị bước vào tổng phản công. Đối với nhân dân các dân tộc Tây Bắc vừa được giải phóng, giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất như liều thuốc kích hoạt, làm tăng sự đồng thuận về mặt chính trị, tinh thần và sức mạnh vật chất đóng góp cho cuộc kháng chiến nói chung, cho trận quyết chiến chiến lược nói riêng trên một hướng chiến trường đặc biệt quan trọng nhưng lại cách rất xa căn cứ địa cách mạng Việt Bắc.

Tại chiến trường Tây Bắc và Chiến dịch Điện Biên Phủ, thắng lợi của giảm tô, giảm tức và cải cách ruộng đất thực sự tạo cho nhân dân các dân tộc Tây Bắc hăng hái tham gia nhiều hoạt động phục vụ chiến dịch, đóng góp hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm cho mặt trận; nhân dân địa phương, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, hàng vạn dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong thêm tin tưởng vào Chính phủ và Hồ Chủ tịch, quyết tâm cao độ trong thực hiện nhiệm vụ, sẵn sàng chịu đựng, vượt qua gian khổ, hy sinh để giành chiến thắng.

Cùng với tiến hành giảm tô, giảm tức và cải cách ruộng đất, trước Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh đã tiến hành tổ chức chỉnh Đảng, chỉnh quân. Mục đích của việc này nhằm nâng cao tư tưởng và trình độ chính trị, làm cho đảng viên và cán bộ theo đúng quan điểm, lập trường vô sản, quán triệt tình hình nhiệm vụ, đấu tranh chống các biểu hiện cá nhân, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, tạo sự nhất trí cao trong đội ngũ cán bộ của Đảng và các cơ quan của Chính phủ. Kết quả của việc chỉnh Đảng, chỉnh quân không những làm cho tinh thần, sức mạnh của mỗi người, của tổ chức đảng, của Quân đội được nâng lên rõ rệt mà còn tác động, ảnh hưởng tích cực tới tinh thần của nhân dân. Niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào Quân đội tiếp tục được củng cố và tăng cường. Cùng với đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào thi đua ái quốc với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”. Người kêu gọi toàn dân, toàn quân dốc sức cho thắng lợi của cuộc kháng chiến và chiến dịch. Trên mặt trận văn hóa, một nền văn hóa mới mang bản sắc dân tộc, dân chủ được xây dựng theo phương châm “dân tộc, khoa học, đại chúng” đã thực sự trở thành nền tảng tinh thần cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ba là, nền tảng chính trị-xã hội vững chắc tạo nên sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đó là khối đại đoàn kết toàn dân tộc được xây dựng, củng cố.

Thành công nổi bật trong xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Đảng ta đã hoạch định được đúng đắn đường lối, chính sách cụ thể nhằm tập hợp lực lượng đoàn kết của toàn dân, thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ chiến dịch đã đề ra. Khối đại đoàn kết dân tộc đã được xây dựng trên cơ sở truyền thống yêu nước, đường lối kháng chiến của Đảng với mục tiêu là độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đó là sợi chỉ đỏ, chất keo gắn kết mọi tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh để nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Ngày 3-3-1951, Đại hội toàn quốc thống nhất tổ chức Việt Minh và Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt. Mặt trận Liên Việt ra đời, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và làm hậu thuẫn vững chắc cho Đảng, chính quyền dân chủ nhân dân động viên và tập hợp mọi lực lượng tham gia kháng chiến. Với mục tiêu chung là giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, các hội tương tế, ái hữu; các hội cứu quốc, đoàn thể và các tổ chức thành viên của Mặt trận Liên Việt đã tập hợp, đoàn kết, giác ngộ và tổ chức các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, mọi cá nhân yêu nước trong nhân dân để hình thành và phát triển lực lượng cách mạng rộng lớn thực hiện nhiệm vụ của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân và đường lối kháng chiến đúng đắn của Đảng. Với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bồi dưỡng “tín tâm và quyết tâm” kháng chiến của nhân dân, nâng cao vai trò và uy tín của lực lượng lãnh đạo cách mạng, nhân dân đã đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải cùng với Quân đội đưa kháng chiến đến thành công.

 

 

Tác giả: Thiếu tướng VŨ ĐỨC LONG, Phó chính ủy Học viện Chính trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Số lượt truy cập
  • Đang truy cập4
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm1
  • Hôm nay231
  • Tháng hiện tại1,081
  • Tổng lượt truy cập305,357







trai
phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi