Với vị trí chiến lược và truyền thống cách mạng, Thanh Hóa được Trung ương Đảng tin tưởng, giao nhiệm vụ cùng các địa phương khác như: Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Vào ngày 25/9/1954, cảng Lạch Hới, xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn) là địa điểm đầu tiên ở miền Bắc đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết.
Là một trong những nhân chứng lịch sử, ông Trần Trí Trác, cựu Bí thư Đảng ủy xã Quảng Tiến không thể nào quên những ngày tháng lịch sử khi toàn dân Sầm Sơn náo nức đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Lúc đó, ông Trần Trí Trác 18 tuổi, là cán bộ Đoàn phụ trách công tác thanh, thiếu niên của xã Quảng Tiến và được giao nhiệm vụ vận động, tổ chức lực lượng thanh niên tiếp nhận lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm… từ các địa phương trong tỉnh chuyển về Sầm Sơn. Từ đó, lực lượng được huy động làm việc ngày, đêm để hoàn thành sớm nhất, nhanh nhất 2 khu lán trại (lán A và lán B) cho đồng bào miền Nam về ở trong những ngày tập kết.
Dù hiện nay đã 87 tuổi, sức khỏe yếu nhưng ông Trần Trí Trác (hiện ở phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn) vẫn nhớ từng chi tiết đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết về Thanh Hóa.
Ông Trác cho biết, ngày đó, những chuyến tàu tập kết là những chiếc tàu biển rất lớn nên phải neo đậu cách xa đất liền. Do đó, nhân dân Sầm Sơn phải dùng thuyền, bè mảng đánh cá nhỏ để đưa đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam từ tàu lớn vào bờ. Trên bờ, người dân ở các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương và thị xã Thanh Hóa cơm đùm cơm nắm xuống Quảng Tiến để đón đồng bào miền Nam.
“Tôi vẫn nhớ như in ngày đó, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam sau nhiều ngày lênh đênh trên biển có người bị say sóng, bị đói, bị ốm... Chúng tôi đã cắt cử phụ nữ, thanh niên xuống thuyền để bê đỡ đồ đạc; dìu, cõng các cháu nhỏ đi vào cầu, rồi lên lán A. Tại lán A, các lực lượng đã chuẩn bị sẵn thuốc men, cháo đậu xanh, cơm... để trợ lực cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ. Trong điều kiện cuộc kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc, kinh tế miền Bắc nói chung, Thanh Hóa và Sầm Sơn nói riêng rất khó khăn, cuộc sống thiếu thốn. Dù còn vất vả, nghèo khó nhưng nhân dân Quảng Tiến, nhân dân Thanh Hóa lúc đó đã dành những gì tốt nhất cho đồng bào miền Nam", ông Trần Trí Trác nhớ lại.
Từ ngày 25/9/1954 đến ngày 1/5/1955, nhân dân Quảng Tiến, Sầm Sơn đã đón tiếp 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.992 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ, chiến sỹ miền Nam tập kết ra Bắc.
Khu vực xây dựng các lán trại đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 giờ đây đã được tỉnh Thanh Hóa đầu tư xây dựng thành Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc với biểu tượng chính là Tượng đài con tàu. Toàn bộ công trình có tổng mức đầu tư 254,9 tỷ đồng. Trong đó, hạng mục tượng đài con tàu tập kết và phù điêu lớn hình cánh cung - nhà trưng bày hiện vật, khu đón tiếp kết hợp chiếu phim tư liệu và các công trình phụ trợ có kinh phí khoảng 80,8 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.
Phó Bí thư Đảng ủy phường Quảng Tiến (thành phố Sầm Sơn) Nguyễn Thị Trang nhấn mạnh, việc tổ chức đón đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc là nhiệm vụ chung của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Tiến rất vinh dự, tự hào đã tham gia tất cả công việc với sự nỗ lực, tận tình, chu đáo, thấm đậm tình ruột thịt Bắc - Nam một nhà. Kế thừa, phát huy truyền thống của cha ông,
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Quảng Tiến sẽ tiếp tục viết nên những trang sử mới, làm rạng rỡ truyền thống anh hùng, góp phần xây dựng thành phố Sầm Sơn văn minh, hiện đại. Địa phương sẽ nỗ lực trong công tác bảo quản, gìn giữ và tổ chức tốt các hoạt động tại Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, để nơi đây thực sự là “địa chỉ đỏ” cho nhân dân, du khách trong và ngoài nước khi đến với Sầm Sơn.
Khu lưu niệm đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc (bên trái) được xây dựng trên diện tích hơn 40.000 m2, cạnh cảng Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa).
Để ôn lại 70 năm thắm đượm nghĩa tình của cán bộ và nhân dân hai miền Nam - Bắc, khẳng định niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thanh Hóa (nơi được Đảng, Bác Hồ tin tưởng lựa chọn là địa điểm đón tiếp, chăm sóc, nuôi dưỡng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam), ngày 27/10/2024, Thanh Hóa sẽ tổ chức Lễ khánh thành công trình Khu lưu niệm đồng bào cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc; tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại thành phố Sầm Sơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng khẳng định, sự kiện đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc cách đây 70 năm mãi mãi là mốc son chói lọi, để lại nhiều bài học quý, sống động. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa luôn ghi nhớ, khắc sâu, phát huy và nâng lên tầm cao mới những bài học đó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Địa phương sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển Thanh Hóa “đến năm 2025, trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045 là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước” như Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra./.
TTXVN
https://www.tuyengiao.vn/70-nam-tap-ket-ra-bac-danh-nhung-gi-tot-nhat-cho-dong-bao-mien-nam-157235
Tác giả: admin
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn