Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Thứ năm - 19/12/2024 21:20
(Chinhphu.vn) – Chiều ngày 12/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sau khi trình bày báo cáo, giải trình một số vấn đề chủ yếu được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, mong đợi, chia sẻ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

  Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho rằng, hiện còn một số hạn chế trong phân cấp, phân quyền; đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương thời gian tới.

  Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phân cấp, phân quyền là vấn đề lớn, đã được đề cập nhiều và trên thực tế đã làm. Riêng nhiệm kỳ này, đến giờ này, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 14 luật liên quan, 9 nghị quyết; bổ sung, thay thế 27 nghị định có liên quan. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy vướng mắc và vướng mắc chủ yếu tập trung ở cấp Trung ương, còn là nút thắt lớn.

  Thủ tướng đề nghị một số giải pháp lớn: Rà soát lại quy định của pháp luật, thể chế; rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan theo Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn và tăng cường giám sát, kiểm tra. Việc phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp.

  Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) đặt 2 câu hỏi:

  Thứ nhất, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt những kết quả quan trọng để tháo gỡ các rào cản, tạo môi trường, động lực phát triển kinh tế-xã hội. Xin Thủ tướng cho biết, trong những điểm nhấn quan trọng nhất thời gian tới, Thủ tướng sẽ chọn vấn đề gì?

  Thứ hai, nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát là hết sức cấp bách, xin Thủ tướng cho biết giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ này trong năm 2025?

Trả lời câu hỏi thứ nhất, Thủ tướng cho biết, nếu được chọn điểm nhấn trong cải cách thể chế thì sẽ chọn 2 điểm, thứ nhất là phân cấp, phân quyền. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, thể chế đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn.

  Cùng với đó, Thủ tướng cho biết, trong phát triển đất nước thì ưu tiên hiện nay là tăng trưởng, nếu tăng trưởng khoảng 6-7% mỗi năm như hiện nay thì rất khó đạt 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra. Muốn ưu tiên tăng trưởng thì phải có nguồn lực, do đó, phải tháo gỡ thể chế để huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, nhân dân, xã hội, nguồn lực hợp tác công tư, nguồn lực từ đầu tư nươc ngoài trực tiếp và gián tiếp.

  Xóa nhà tạm, nhà dột nát đã có các giải pháp rất cụ thể

  Về câu hỏi thứ hai, Thủ tướng cho biết xóa nhà tạm, nhà dột nát là chủ trương lớn, vừa qua Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chỉ đạo. Chúng ta đã thành lập nước được gần 80 năm, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước gần 50 năm, chuẩn bị kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Vừa qua rà soát lại, cả nước còn hơn 300.000 nhà tạm, nhà dột nát, gồm các hộ người có công với cách mạng, các hộ dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia, các hộ nghèo, cận nghèo…

  Chúng ta có quyết tâm cao trong năm 2025, phải xóa hết nhà tạm, nhà dột nát. Theo Thủ tướng, muốn thực hiện, phải thành lập Ban Chỉ đạo từ Trung ương tới cơ sở. Ban Chỉ đạo Trung ương đã được thành lập do Thủ tướng đứng đầu, đề nghị tiếp tục lập các ban chỉ đạo từ cấp tỉnh tới cơ sở do bí thư cấp ủy đứng đầu để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo.

  Cùng với đó, phải giải quyết các vướng mắc. Trong đó, thứ nhất là vướng mắc về đất đai, thì giải quyết theo nguyên tắc không có tranh chấp và thẩm quyền giao cho UBND cấp huyện, cấp xã.

  Thứ hai, vướng mắc liên quan huy động nguồn lực, phải huy động đa dạng hóa các nguồn lực và nguồn lực này mang tính hỗ trợ. Thủ tướng cho biết vừa quyết định nâng mức hỗ trợ lên 60 triệu đồng/căn nhà xây mới và 30 triệu đồng/căn nhà sửa chữa.

  Thứ ba, về nhân công, các hộ được thụ hưởng chính sách cũng phải cố gắng, đồng thời huy động sự hỗ trợ của anh em, họ hàng, làng xóm, người thân theo tinh thần "ai có gì giúp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít". Lực lượng Quân đội, Công an cũng sẵn sàng hỗ trợ. Đồng thời, huy động nguồn lực xã hội hóa.

  Thủ tướng cho biết vừa qua đã kêu gọi được gần 6.000 tỷ đồng sau chương trình phát động ủng hộ xoá nhà tạm, nhà dột nát và đang đề nghị sử dụng hơn 5.000 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm 5% chi ngân sách Nhà nước năm 2024, cùng với các chương trình đang bố trí; đồng thời tiếp tục huy động nguồn lực xã hội, cộng với nguồn lực của năm nay, trong đó có nguồn lực tăng thu để bổ sung cho chương trình.

  Như vậy, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã có các giải pháp rất cụ thể, Thủ tướng cho biết.

  Thủ tướng trả lời một số nội dung được các đại biểu đề cập trong phần chất vấn trước đó với các thành viên Chính phủ, như phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; xây dựng thể chế quản lý các hoạt động trên không gian mạng... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhân dân, cử tri rất cảm động

  Đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) cho biết nhân dân, cử tri rất cảm động, đánh giá cao cách ứng phó kịp thời, hiệu quả, nhân văn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi xảy ra thiên tai, mà rõ nét nhất là trong ứng phó với cơn bão số 3 vừa qua. Để kịp thời động viên tinh thần và niềm tin rất lớn đối với đồng bào để vượt qua khó khăn, ngay sau đó, Thủ tướng đã đưa ra những giải pháp trước mắt và lâu dài được cử tri, nhân dân đánh giá cao rất cao. Cử tri và nhân dân mong muốn Thủ tướng cho biết rõ hơn về những giải pháp căn cơ, dài hạn để ứng phó với thiên tai thời gian tới?

  Về nội dung này, Thủ tướng nêu rõ Đảng, Nhà nước rất quan tâm, nhưng hiện nay biến đổi khí hậu, thiên tai rất cực đoan, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

  Theo Thủ tướng, đây là vấn đề toàn cầu, toàn dân, toàn diện, phải đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế, kêu gọi đoàn kết quốc tế, chung tay để làm.

  Còn chúng ta phải thể chế hóa các chủ trương của Đảng, hoàn thiện thể chế phù hợp tình hình, các vấn đề phát sinh; huy động nguồn lực gồm nguồn lực Nhà nước, nguồn lực các đối tác hỗ trợ như cơ chế JETP, nguồn vốn đi vay. Thủ tướng cho biết hiện đang bố trí nguồn lực cho công tác này tương đối ưu tiên.

Ví dụ, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án, dự án và trên cơ sở đề án kêu gọi các đối tác hỗ trợ nguồn lực ứng phó sụt lún, sạt lở, ngập úng, khô hạn tại ĐBSCL, sạt lở, hạn hán tại miền núi phía Bắc và miền Trung…

  Cùng với đó, nghiên cứu, hợp tác chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực quản trị ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Giải pháp thứ 5 là giải pháp con người thích ứng với hoàn cảnh cụ thể. Giải pháp thứ sáu là tinh thần tự lực, tự cường của các đơn vị, địa phương.

  Đó là những giải pháp căn cơ, song tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, phải phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương, phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực.

12 dự án tồn đọng kéo dài đã xin xong chủ trương xử lý

  Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho rằng vấn đề chống lãng phí là chủ đề được Đảng, nhân dân đặt ra cấp bách hiện nay, trong đó việc xử lý các dự án chậm tiến độ là giải pháp quan trọng. Thời gian qua, cử tri đánh giá cao sự quyết liệt, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua việc xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài nhiều năm, các tổ chức tín dụng yếu kém và có nhiều kết quả tích cực. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết nguyên nhân, giải pháp, nhất là giải pháp về cơ chế và tiến độ trong thời gian tới.

  Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho biết vừa qua, nhờ sự nỗ lực của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ thì đến giờ này, 12 dự án tồn đọng kéo dài đã xin xong chủ trương của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, Chính phủ đang thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, những nội dung nào vượt thẩm quyền thì Chính phủ sẽ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội. Ngoài 12 dự án còn có các dự án khác như đường sắt Cát Linh-Hà Đông, chuỗi dự án điện-khí Lô B-Ô Môn, Nhiệt điện Thái Bình 2…

  Theo Thủ tướng, những kinh nghiệm này tiếp tục vận dụng cho các dự án còn lại; trên cơ sở đó, chúng ta rà soát lại những dự án tương tự, tiếp tục xử lý theo tinh thần tôn trọng hiện trạng, "còn đã thất thoát rồi, mất mát rồi, ai vi phạm thì xử lý rồi, nhưng theo pháp luật thì rõ ràng đang vướng, phải tháo gỡ vướng mắc về pháp luật, phải có cơ chế, chính sách để xử lý, thuộc thẩm quyền của ai thì người đó phải làm".

  Còn về các ngân hàng, đến nay có 4 ngân hàng, có 2 ngân hàng đã chuyển giao bắt buộc xong, còn 2 ngân hàng đang làm. Còn với Ngân hàng SCB, tinh thần chỉ đạo là bảo đảm an toàn hệ thống; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; kiểm soát chặt chẽ tài sản, không để thất thoát; có lộ trình thực hiện phù hợp.

  Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xóa bỏ cơ chế xin cho thời gian qua. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết thêm về những giải pháp để khắc phục những hạn chế, bất cập để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, chịu trách như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm?

  Thủ tướng cho biết, đã nhiều lần phát biểu về yêu cầu phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá. Hiện, Chính phủ đang đề xuất một luật sửa nhiều luật, tập trung tháo gỡ một số vướng mắc và sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền thực hiện phân bổ nguồn lực đi đôi với phân cấp phân quyền theo hướng "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

 

  Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 12/11 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phải tạo ra đột phá về hạ tầng chiến lược

  Đại biểu Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh) đặt câu hỏi: Chuyển đổi số có cần cơ sở lý luận không, hay vừa làm vừa tính và lộ hoàn thành thể chế số như thế nào?

  Về nội dung này, Thủ tướng cho biết, nguyên tắc lý luận soi đường, nhưng lý luận phải trên cơ sở tổng kết thực tiễn. Vì vậy, chúng ta tổng kết thực tiễn trên cơ sở coi chuyển đổi số là xu hướng, phong trào, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để có giải pháp, lộ trình phù hợp với điều kiện hoàn cảnh Việt Nam. Bài viết gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm hàm chứa rất nhiều nội dung lý luận.

  Sau khi có lý luận, cần hoàn thiện thể chế, thể chế hóa chủ trương của Đảng. Hiện chúng ta triển khai hàng loạt vấn đề mới như xây dựng Luật Dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, đã giao cơ quan có khả năng, điều kiện làm việc này tốt nhất. Cùng với đó, nâng cấp mức độ cung cấp dữ liệu. Hiện còn tình trạng dữ liệu cát cứ, co cụm, phải khắc phục, kết nối với dữ liệu chung, xây dựng bộ dữ liệu mở, đẩy mạnh kết nối với nhau.

  Thủ tướng cũng đề nghị các bộ ngành, phương xây dựng, triển khai đề án tương tự Đề án 06 được triển khai rất hiệu quả. Cùng với đó, tăng cường tiềm lực hạ tầng số với nguồn lực nhất định; đào tạo kỹ năng, nguôn nhân lực; quản trị số thông minh, với "cơ chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh".

  Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng theo đề nghị của Thủ tướng, thời gian tới, nhiều dự án quan trọng quốc gia sẽ được Quốc hội được xem xét, thông qua như các dự án liên quan năng lượng hạt nhân, đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, điều chỉnh chủ trương đầu tư sân bay Long Thành, xin cho biết giải pháp chỉ đạo, điều hành sắp tới để thực hiện thành công các dự án quan trọng quốc gia như kỳ vọng của Quốc hội và nhân dân?

  Trả lời câu hỏi, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải bứt phá, tăng trưởng, tháo gỡ các điểm nghẽn, một trong số đó là phải phát triển hạ tầng chiến lược, gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng cứng và hạ tầng mềm… Đầu tư là một trong những động lực tăng trưởng, trong đó có đầu tư cho các công trình lớn của quốc gia.

  Chúng ta hiện đã làm tốt, nhưng chủ trương của Bộ Chính trị, của lãnh đạo chủ chốt, của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Tô Lâm là phải tạo ra đột phá về hạ tầng với những công trình mang tính chiến lược, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái.

  Hiện chúng ta đang tập trung cho một số dự án như đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, điện gió ngoài khơi, nghiên cứu phát triển năng lượng hạt nhân… Muốn có nguồn lực thực hiện, phải hoàn thiện thể chế, cơ chế huy động nguồn lực, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản trị.

  Thủ tướng cho biết đây là những nhiệm vụ, giải pháp đã và đang làm, mong Quốc hội tiếp tục ủng hộ các dự án lớn, như đang trình Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, giai đoạn 2 sân bay Long Thành.

  Chia sẻ thêm, Thủ tướng cho biết đầu nhiệm kỳ này, chúng ta cũng băn khoăn về nguồn lực cho các dự án đường bộ cao tốc, khi từ năm 2000 đến năm 2021, trong hơn 20 năm mới xây dựng được khoảng 1.000 km cao tốc.

  "Vậy nguồn lực thế nào để trong vòng 3 năm chúng ta làm được gấp đôi số đường cao tốc đã làm trong 20 năm trước đó? Băn khoăn lắm, nhưng được sự chỉ đạo của Đảng, của Bộ Chính trị, đồng chí Tổng Bí thư, sự ủng hộ của Quốc hội, chúng ta đã huy động nguồn lực Trung ương, nguồn lực địa phương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi; không đầu tư dàn trải, tập trung nguồn lực cho một số dự án chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế", Thủ tướng cho biết.

   Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời một số nội dung được các đại biểu đề cập trong phần chất vấn trước đó với các thành viên Chính phủ.

Với nội dung phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, Thủ tướng cho rằng đây là xu thế mới và khi làm bao giờ cũng gặp khó khăn vì chưa có kinh nghiệm; pháp luật, thể chế chưa cập nhật kịp tình hình mới; cần huy động nguồn lực lớn.

  Do đó, phải tập trung hoàn thiện thể chế, thể chế chính là nguồn lực, muốn đột phá phải đột phá về thể chế. Trong quá trình làm thì có phát sinh một số việc, những cái được là cơ bản, nhưng cũng có những cái chưa được, phải rà soát để tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy định rõ những gì được làm, những gì không được làm, những cái gì mở ra không gian sáng tạo, linh hoạt và có kiểm soát để người dân, doanh nghiệp yên tâm làm.

  Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm của Đảng, Nhà nước là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, doanh nghiệp, tôn trọng quyền con người trong kinh doanh, trong phát triển kinh tế - xã hội, không hình sự hóa quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế; do đó phải xây dựng quy định rõ ràng. Tuy nhiên, những hành vi vi phạm như buôn lâu, trốn thuế, thao túng thị trường… thì dứt khoát phải xử lý.

  Về xây dựng thể chế quản lý các hoạt động trên không gian mạng, Thủ tướng cho biết như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã trả lời, quản lý trong đời thực thế nào thì phải quản lý trên không gian mạng như thế, với tinh thần như Tổng Bí thư chỉ đạo là "bỏ tư duy không quản được thì cấm". Tinh thần xây dựng thể chế là phải vừa phục vụ quản lý, vừa mở ra không gian đổi mới sáng tạo, khuyến khích mọi người dân, mọi doanh nghiệp, mọi chủ thể luôn đổi mới sáng tạo, đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để tiến lên.

  Về cụ thể, Thủ tướng cho rằng tất cả các cấp, các ngành, địa phương đều phải làm thì mới có hệ thống pháp luật đồng bộ, tổ chức thực hiện phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, trên cơ sở đó giám sát, kiểm tra thì thực hiện mới có kết quả tốt.

 Nội dung trà lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ về phương án giải quyết một số vấn đề liên quan trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo tại Văn bản số 1023/TTg-KGVX ngày 27/11/2024 về trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo tại Kỳ họp thứ 8, QH khóa XV: cv 1023_ttg_638702114668356690.pdf

 

https://baochinhphu.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-tra-loi-chat-van-cua-dai-bieu-quoc-hoi-102241112183214342.htm

Tác giả: Hà Văn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Số lượt truy cập
  • Đang truy cập2
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm1
  • Hôm nay183
  • Tháng hiện tại11,106
  • Tổng lượt truy cập315,382







trai
phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi